Hôm nay: Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
(Dân trí) - Sở dĩ phải nói như vậy vì nếu Hà Nội T&T thắng B.Bình Dương trong trận đấu chiều 17/6, V-League xem như kết thúc sớm. Rốt cuộc điều ấy không xảy ra, B.Bình Dương kịp níu chân đội đầu bảng và tiếp tục cuộc đua…

B.Bình Dương vào thế “mãnh hổ địch quần hồ”

Chiến thắng của B.Bình Dương trước Hà Nội T&T ở vòng 18 có ý nghĩa rất quan trọng. Đội bóng đất Thủ Dầu không chỉ bắt kịp đội bóng thủ đô về mặt điểm số, mà còn níu chân chính đối thủ này trong cuộc đua đến ngôi vô địch.

Giả sử đội bóng đất Thủ Dầu không thắng trong trận đấu nói trên, V-League xem như vãn tuồng, và Hà Nội T&T sẽ một mình một ngựa lao về đích. Khi B.Bình Dương chiến thắng, người hâm mộ chung lập vẫn còn cái để xem giải đấu này.

Dù vậy, đội bóng của HLV Lê Thụy Hải vẫn còn nhiều bất lợi. Thứ nhất họ vẫn đấu nhiều hơn Hà Nội T&T 1 trận. Về lý thuyết xem như quyền tự quyết vẫn nằm trong tay Hà Nội T&T, chứ không thuộc B.Bình Dương.

B.Bình Dương bắt kịp Hà Nội T&T trong cuộc đua đến ngôi vô địch (ảnh: Trọng Vũ)

B.Bình Dương bắt kịp Hà Nội T&T trong cuộc đua đến ngôi vô địch (ảnh: Trọng Vũ)

Thứ hai, B.Bình Dương vẫn khá đơn độc so với Hà Nội T&T trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Phải nói vậy vì bên cạnh Hà Nội T&T là 2 đội bóng anh em Quảng Nam và SHB Đà Nẵng.

Câu chuyện những đội bóng thuộc sở hữu của bầu Hiển hoặc bị ông bầu này chi phối nâng đỡ nhau đến ngôi cao nhất của bóng đá Việt Nam không phải là câu chuyện mới.

Năm 2012, Hà Nội T&T từng chọn lối chơi phòng ngự đến tiêu cực để cầm chân XM Xuân Thành Sài Gòn trên sân Thống Nhất, tạo điều kiện để SHB Đà Nẵng đoạt ngôi vương.

1 năm sau đó, đến lượt SHB Đà Nẵng ngán bước các đối thủ của đội bóng thủ đô, giúp Hà Nội T&T trở lại ngôi đầu V-League.

Đấy chắc chắn không thể gọi là cuộc chơi sòng phẳng, khi 1 ông bầu sở hữu quá nhiều đội bóng ở cùng 1 giải đấu. Mặt trái của nó nhiều người thấy, nhưng tiếc rằng không ai có thể làm gì để thay đổi thực trạng trái khuấy này.

Bây giờ, B.Bình Dương phải lâm vào cảnh như XM Xuân Thành Sài Gòn từng đối diện cách nay 2 năm. Bây giờ, đội bóng đất Thủ Dầu không chỉ phải đua với mỗi mình Hà Nội T&T, mà còn phải đối diện với những rào cản do chính những người anh em của Hà Nội T&T tạo nên từ đây cho đến cuối giải.

Trọng tài ngoại đang làm tốt nhiệm vụ

Ngoài cuộc đua đến ngôi vô địch, một đề tài khác được quan tâm tại V-League ở thời điểm này chính là công tác trọng tài trong những vòng đấu cuối, mà đáng chú ý nhất chính là các trọng tài ngoại được VFF và VPF mời đến điều khiển V-League.

Trọng tài ngoại tạo ấn tượng tốt tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)

Trọng tài ngoại tạo ấn tượng tốt tại V-League (ảnh: Trọng Vũ)

2 trận chung kết của mùa bóng diễn ra trên sân Bình Dương, giữa B.Bình Dương – Thanh Hóa và B.Bình Dương – Hà Nội T&T đểu được trọng tài Nhật điều hành.

Không bàn về chuyên môn, vì ở Việt Nam hiện tại không phải là không có trọng tài có chuyên môn ngang với các ông Sato Ryuji và Toma Massaki, như trọng tài Võ Minh Trí, hoặc trọng tài Võ Quang Vinh.

Nhưng rõ ràng là các trọng tài Nhật đến với V-League với vị thế khác và tâm lý khác hẳn các trọng tài nội. Họ độc lập hơn hẳn, họ cũng chẳng dính dáng đến các đội bóng, cũng không cần phải cần phải kiềng mặt ai khi thổi còi, nên họ khách quan hơn và cái nhìn của các đội nhằm vào họ cũng bớt dè dặt hơn.

Đấy mới chính là tiêu chí quan trọng nhất để VFF và VPF đưa trọng tài ngoại về với giải đấu nội. Câu chuyện niềm tin và tính khách quan nơi giới trọng tài mới là vấn đề mà những nhà điều hành bóng đá Việt Nam muốn giải quyết nhất, chứ chưa hẳn là công tác chuyên môn thuần túy.

Chiếu theo tiêu chí này, việc mời trọng tài ngoại điều hành các trận đấu căng thẳng nhất V-League 2014 xem như thành công bước đầu. Đấy có thể là tiền đề để VFF và VPF tiến thêm những bước tiếp theo trong công cuộc tái thiết giới trọng tài Việt Nam.

Nếu trọng tài ngoại giúp cho các đội bóng ít phản ứng BTC giải và phản ứng những người điều hành cuộc chơi, thì đấy lại là một thành công khác, bởi người ta không thể có một giải đấu thành công khi mà các đội cứ nhìn giới “vua sân cỏ” bằng ánh mắt nghi ngại, trong khi cơ quan điều hành cứ phải nghe đầy tai những lời ong tiếng ve về cái tâm của trọng tài!

Kim Điền

(--- Dân Trí ---)