Hôm nay: Thứ hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
(Dân trí) - Khi HLV Lê Thụy Hải lên tiếng về vấn đề Công Vinh và khi người lớn muốn “nhét” cầu thủ U19 vào đội tuyển quốc gia (ĐTQG), người ta mới giật mình nhận ra rằng hóa ra những người làm công tác chuyên môn ở ta không được làm đúng việc của mình.

Đá lộn sân

Câu chuyện HLV Lê Thụy Hải cảnh báo Công Vinh sẽ không có suất đá chính ở B.Bình Dương, thậm chí ông Hải còn cảnh báo đến cả việc ông sẽ bỏ việc giữa chừng nếu bị can thiệp trong vấn đề Công Vinh đúng là có chút màu sắc quá khích.

Nó quá khích ở chỗ phát ngôn của ông Hải thiếu ý tứ, theo đúng thói quen bạ đâu lớn tiếng đó của ông Hải. Những phát ngôn kiểu này không hợp với người đang mang danh là “thầy” đã ở cái tuổi gần thất thập như ông Hải. Dù vậy, đó là về hình thức và về cách phát ngôn, về ngôn từ, còn về bản chất, ông Hải không sai.

B.Bình Dương mua Công Vinh mà không tham khảo đến ông Hải, không cần quan tâm đến chuyện ông Hải có thực sự muốn có Công Vinh hay không đã là sai rồi. Nó sai ở chỗ dù gì thì ông Lê Thụy Hải vẫn là người quyết định về chuyên môn ở đội bóng đất Thủ Dầu, trong khi chuyện xài hay không xài một cầu thủ rõ ràng là vấn đề hoàn toàn thuộc về chuyên môn.

Là một người làm chuyên môn, ông Hải không đòi hỏi sai khi cần được tôn trọng trong công việc của mình, điều mà ông không hề thấy thông qua trường hợp của Công Vinh.

Khi bàn đến chuyện cầu thủ U19 lên tuyển, người ta dường như quên mất vai trò của HLV Miura

Khi bàn đến chuyện cầu thủ U19 lên tuyển, người ta dường như quên mất vai trò của HLV Miura

Đấy có thể là thực tế không mới ở bóng đá nội, chỉ có điều không phải HLV nào cũng dám phát biểu thẳng tuột như ông Hải, khi công việc của mình bị can thiệp. Và thực tế này lại đang lan sang cả cấp độ đội tuyển.

Câu chuyện tiếp theo mà người ta hay nói đến trong thời gian gần đây xung quanh chuyện nên hay không nên gọi cầu thủ U19 lên tuyển. Nên hay không nên là vấn đề mà HLV Miura hiểu rõ nhất. Nhưng kỳ thực vị HLV người Nhật càng muốn tránh đề cập đến vấn đề này thì dường như lại có những quyền lực to hơn muốn ông phải nhắc.

Sai chức năng

Sở dĩ ông Miura không gọi cầu thủ U19 Việt Nam lên ĐTQG là có lý do của ông ấy. Có thể người hâm mộ thích đội bóng này, có thể những cầu thủ U19 Việt Nam đá đẹp. Nhưng trong bóng đá cần phân biệt đá đẹp khác và đá hay khác.

HLV Miura không thấy cầu thủ U19 Việt Nam có điểm nào hay để đáng được góp mặt trên đội tuyển, thì ông không gọi. Ông không thấy ĐTQG cần bất cứ điểm nào ở cầu thủ U19 vì đấy đơn thuần là vấn đề thuộc về chuyên môn. Mà xét theo góc nhìn chuyên môn, HLV Miura vốn là dân trong nghề chắc chắn phải hơn hàng loạt vị đang ngồi trong cơ quan điều hành bóng đá nội.

Bởi, nếu là ngược lại, nếu những người đang điều hành bóng đá Việt Nam giỏi chuyên môn hơn vị HLV người Nhật, họ đã trực tiếp huấn luyện ĐTQG rồi, chắc khỏi cần phải thuê chuyên gia nước ngoài cho tốn tiền.

Thế nên, câu chuyện về những tranh cãi nên hay không nên để lứa U19 hiện tại đá ở SEA Games 28 năm 2015, rồi vòng loại World Cup 1 năm sau đó, nên hay không nên đưa cầu thủ U19 lên tuyển hóa ra không cần thiết. Nó không cần thiết ở chỗ những phát biểu của những người không có chuyên môn trong lĩnh vực trên chắc chắn không có giá trị bằng quyết định của dân chuyên môn.

Cũng đừng quên rằng người ta cần ở cơ quan điều hành nền bóng đá, cần ở những vị đang làm công tác điều hành nền bóng đá là những chiến lược, là cách thức phát triển của cả nền bóng đá ở tầm vĩ mô.

Ví như phải vực dậy giải V-League vốn đang èo uột bằng cách nào? Phải định hướng các đội tuyển như thế nào để đạt bằng được những mục tiêu lớn? Như kiểu đừng để thua Thái Lan khi tranh vé đến VCK World Cup nữ 2015 hoặc đừng thua U19 Myanmar khi tranh vé đến VCK U20 thế giới? Chứ không phải nêu mục tiêu khơi khơi rồi để đó, phó mặc cho may mắn!

Người ta cũng không cần những người làm công tác điều hành trực tiếp xuống tận nơi rồi chọn cầu thủ cho từng đội tuyển, hoặc chỉ các cầu thủ phải đá bóng như thế nào?

Đấy là khác biệt cơ bản giữa những tỷ phú làm bóng đá ở Việt Nam so với thế giới. Những tỷ phú làm bóng đá ở nước ngoài chắc chắn không hiếm, nhưng có lẽ người ta chưa bao giờ nghe chuyện Berlusconi hay Abramovich trực tiếp chọn nhân sự thay các HLV. Thời gian đấy, họ dành để làm việc khác tốt hơn, tập trung hơn để lo việc hoạch định chiến lược!

Kim Điền

(--- Dân Trí ---)